Lều chõng ngày xưa

Thảo luận trong 'Góc lưu niệm - Giải trí' bắt đầu bởi Củ khoai lang, 18/2/14.

  1. Củ khoai lang

    Củ khoai lang Tôi yêu Sandinh

    Sĩ tử thời xưa

    Thi cử đã xuất hiện ở VN từ gần 1.000 năm rồi, kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão 1075 đời Lý. Vậy thì ông cha mình đã tổ chức việc thi cử như thế nào? Sĩ tử học hành, ứng thí ra sao? Trường thi ngày xưa như thế nào? Việc chấm thi và công bố kết quả? Trường thi có xảy ra sự cố như bây giờ không?...

    Độc giả hãy cùng chúng tôi lùi lại quá khứ để tìm hiểu về chuyện thi cử dưới thời Nguyễn, là triều đại kế thừa nền tảng khoa cử từ các thời trước và xây dựng thành hệ thống khoa cử hoàn chỉnh nhất.
    Bên ngoài sân, một vài vị du khách đang lúi húi với những dòng chữ Nho trên hàng bia tiến sĩ. Có lẽ họ đang đi tìm dấu tích của tiền bối đã đỗ đạt dưới thời Nguyễn.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Thí sinh ngày đó học gì?

    Bắt đầu là học chữ Nho với các thầy đồ (gọi là sơ học), với các sách Tam thiên tự, Tam tự kinh, Hiếu kinh, Ấu học quỳnh lâm...

    Lớn lên chừng 10 tuổi bắt đầu làm quen những sách kinh điển của Nho giáo, như bộ Tứ thư (Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung), lần lần đến Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu), rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta).

    Ngoài ra, còn phải đọc sách của Bách gia chư tử, tức sách của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại; học thêm Đường thi, Tống thi, các áng văn tiêu biểu trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam; nghiền ngẫm những bài văn sách danh tiếng qua các đời...

    Đó là nội dung cơ bản của việc học. Tất thảy phải thuộc lòng, quên một chữ là phải tìm thầy để hỏi. Thử hình dung một khối lượng khổng lồ tri thức như vậy, hoàn toàn bằng chữ Hán, việc học gian nan biết chừng nào, hẳn sĩ tử phải học bằng quyết tâm sống còn mới có thể ra trường thi.

    Nhưng kiến thức trên mới là phần cứng, còn làm bài thi lại là một sự vận dụng linh hoạt, đòi hỏi tài năng sáng tạo. Việc hành văn thì từ nhỏ đã tập viết, tập làm thơ. Khi đã thông làu kinh sử thì tập viết những bài văn. Khi bước chân vào kỳ hạch (khảo khóa, tức sơ khảo) ở địa phương, các thể loại kinh, văn sách, thi phú, văn tứ lục (tức các loại văn bản hành chính: chiếu, biểu...) thí sinh đã phải tường tận lắm rồi mới mong vượt được kỳ sơ khảo này.

    Không quy định tuổi tác

    Vì điều kiện dự thi không hạn định tuổi tác nên trẻ dưới hai mươi, già trên năm mươi đều có thể ứng thí. Cha con cùng đi thi, có trường hợp 82 tuổi vẫn còn đi thi như thí sinh Đoàn Tử Quang ở Hà Tĩnh năm 1900 (độc giả sẽ đọc thấy trong kỳ sau).

    Trước kỳ thi hương tối thiểu là ba tháng phải tổ chức kỳ khảo khóa để sơ tuyển những người đủ tư cách và trình độ đi thi. Sau đó, lập danh sách trình lên trên để chuẩn bị kỳ thi hương. Người nào qua được kỳ khảo khóa này được gọi là thầy khóa (hay còn gọi là khóa sinh); chưa phải là học vị gì nhưng như thế cũng đã oai lắm rồi. Tuy nhiên, qua được kỳ khảo khóa, muốn dự thi hương phải còn xem xét một số tiêu chí ràng buộc về mặt hành chính mà ta quen gọi là “lý lịch” trong thi cử.

    Rất xem trọng đạo đức thí sinh

    Trước thời gian thi bốn tháng, những thí sinh muốn dự thi phải ghi danh tại lý trưởng của làng để xem xét tư cách.

    Nhà Nguyễn quy định những trường hợp sau không được dự thi:

    Đang chịu tang cha hoặc mẹ, hoặc đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng. Những người bất hiếu, bất mục (không hòa thuận với anh em), gian dâm, bạo tàn.

    Thân thuộc với những người phạm tội đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù những người này đã được tha về)... thì không được ứng thí. Trường hợp người thân phạm tội nhẹ hơn thì được xem xét.

    Thân thuộc với giặc. Điều luật này chia làm bốn khoản quy định từ nặng đến nhẹ và mức độ thân thuộc. Nếu giặc là chánh yếu phạm, tức mang những chức tước cao nhất, không kể đã bị xét xử hay chưa, dù đã chết hay đã ra đầu thú được khoan dung, thì từ con cho đến cháu, chắt cùng những người chịu tang từ chín tháng trở lên (giả định người làm giặc chết đi) đều không được dự thi. Nếu kẻ chịu án thuộc hàng thứ phạm, chỉ mang chức tước nhỏ thì con, cháu cùng những người chịu tang trong một năm không được dự thi, kể cả khi đã ra đầu thú hoặc lập công chuộc tội được giảm miễn. Nếu là kẻ tòng phạm can tâm theo giặc nhưng không có chức tước hoặc chức tước nhỏ thì con và cháu không được dự thi. Nếu kẻ tòng phạm đã ra đầu thú, lập công chuộc tội đã được giảm án thì cháu được đi thi. Nếu là kẻ tòng phạm nhưng bị giặc ức hiếp phải theo chẳng có chức tước gì thì con không được đi thi nhưng cháu trở xuống đều được đi thi.

    Người theo tả đạo (đạo Thiên Chúa) bị cấm dự thi, nhưng ra khỏi đạo thì cho dự thi. Phụ nữ bị cấm tiệt không được dự thi.

    Đã vào trường thi là bình đẳng

    Ngoài ra, triều đình còn quy định những người ngoại tỉnh đến trú ngụ học thi phải về thi tại quê quán, trừ những người theo cha ông đi trấn nhậm ở xa. Trong quyển thi (tức bài thi, đóng bằng giấy bổi) của mình, trang đầu tiên ngoài tên tuổi, quê quán và nơi học tập, thí sinh phải ghi rõ phần cung khai tam đại (kê khai ba đời) về ông cố, ông nội, cha: nghề nghiệp, còn sống hay đã chết.

    Tất nhiên, không thể man khai, vì chính quyền sở tại đã nắm vững lý lịch của thí sinh từ khi tham dự kỳ khảo khóa. Đến khoa thi hương cuối cùng năm 1918, quy định thí sinh phải dán ảnh.

    Nếu đã phạm vào những quy định trên thì chắc chắn không được dự thi, nhưng nếu đã có quyền dự thi thì tất cả thí sinh đều hoàn toàn bình đẳng, không có tầng lớp nào bị đối xử nghiệt ngã hay được ban đặc quyền đặc lợi.

    Trong suốt 143 năm tồn tại, triều Nguyễn tổ chức 39 khoa thi hội, lấy đỗ 293 vị tiến sĩ, chỉ có duy nhất một người trong hoàng tộc (dòng họ nhà vua) đỗ đại khoa, đó là ông Tôn Thất Lĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889) triều Thành Thái.

    Ngoài ra, trên các bia tiến sĩ chỉ thấy lác đác vài người xuất thân là ấm sinh, ấm tử (con của quan lại từ hàng tam phẩm trở lên, được học trong trường QuốcTử Giám), còn lại đại đa số là con em giới bình dân.

    Tác giả : PHẠM ĐỨC THÀNH DŨNG (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

    Vượt qua được kỳ khảo khóa (sơ khảo) ở địa phương, nếu lý lịch không phạm vào các điều khoản cấm dự thi, xem như sĩ tử đã đủ trình độ chữ nghĩa và tư cách đạo đức để đàng hoàng bước vào trường thi. Ở đó là một cuộc so tài căng thẳng và cũng hết sức sòng phẳng.

    Nguồn : Sưu tầm
     
    Chỉnh sửa lần cuối: 18/2/14
  2. Củ khoai lang

    Củ khoai lang Tôi yêu Sandinh

    Thi hương, thi hội, thi đình...

    Cũng như các triều đại trước, hệ thống thi cử dưới thời Nguyễn gồm có ba kỳ: thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Các trường miền Bắc thi hương khoảng tháng 10, miền Trung và Nam khoảng tháng 3 đến tháng 7.

    [​IMG]

    Thi từ sáng sớm đến tối mịt

    Trống điểm canh tư (chừng 1g sáng) thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên, đến khoảng canh năm tám khắc (khoảng 5g sáng) thì thí sinh phải vào hết trong trường. Thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19g). Vì vậy, thí sinh vào trường phải chuẩn bị đầy đủ lều, chõng, chiếu, tráp đựng nghiên, bút, giấy, mực, dao kéo... và thức ăn dùng trong một ngày.

    Quan trọng nhất là chuẩn bị quyển thi (tức giấy làm bài thi đóng thành quyển), phải giữ gìn hết sức sạch sẽ. Quyển thi là do thí sinh đem nộp trước cho dinh đốc học để kiểm tra, đóng dấu. Khi quan trường gọi đúng tên, thí sinh phải “dạ” thật to rồi vào cổng trường thi để nhận lại quyển thi. Vào trường thi, thí sinh tìm chỗ cắm lều, đặt chõng, đến khi sáng rõ mặt thì xong để chuẩn bị làm bài thi.

    Tứ trường và thiên kinh vạn quyển

    Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ...), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận).

    Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.

    Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ. Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học...; đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!

    Mang tài liệu vào trường thi: gông cổ, đánh 100 roi

    Không được mang tài liệu vào trường thi; không nói chuyện ồn ào, đi lại lộn xộn; không được quên đóng dấu “nhật trung” (là dấu giáp lai các trang bài thi, dấu xác định bài thi được làm tại trường thi...); cấm ngồi không đúng chỗ, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên; cấm kê khai gian lận tên tuổi; cấm nộp bài trễ hạn. Các quy định đó xem ra cũng không khác gì bây giờ, nhưng hình phạt cho người vi phạm thì rất nghiêm khắc. Nếu bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị đóng gông một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào thì không những thí sinh bị trị tội mà còn truy tội cả các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương.

    Trong bài thi lại có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (không biết tránh chữ húy). Bài thi của thí sinh phải tránh viết những chữ húy kỵ của triều đình, đó là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua; rồi thì tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua...

    Sau lỗi khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang có nghĩa là thiếu phần tao nhã, do dùng những từ thô tục về nghĩa cũng như về âm, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu... thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ). Nếu không là mắc lỗi khiếm đài.

    Chưa hết, bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi. Quyển thi nếu bị ố bẩn, tì vết, xem như làm dấu cũng bị đánh rớt. Lệ còn quy định mỗi quyển thi không được đồ (xóa bỏ), di (sót), câu (móc), cải (sửa) quá 10 chữ. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã đồ, di, câu, cải. Nếu đồ, di, câu, cải vượt quá 10 chữ, hoặc sai sót, ố bẩn, tì vết không thể khắc phục thì đem lên quan trường xin đổi quyển thi khác hợp lệ. Phạm vào lỗi gì đều được niêm yết rõ lên bảng con ở mỗi khu vực cho thí sinh biết vì sao mà hỏng thi.

    Những thí sinh chỉ đỗ được ba trường thi hương thì được học vị tú tài. Những thí sinh vượt qua được cả bốn trường thì được học vị cử nhân, được ban cấp áo mão, ban yến (đãi tiệc), rồi vinh quy bái tổ.

    Tiếp tục cuộc đua tiến sĩ

    Tân cử nhân về quê tiếp tục đèn sách đợi sang năm vào kinh đô dự kỳ thi hội, cùng với những cử nhân của các khoa trước đó, những thí sinh đã vượt qua một kỳ khảo hạch đặc biệt do triều đình, và một số ít quan lại muốn có học vị cao hơn. Cách thức làm bài và trường quy thi hội không khác mấy với thi hương, chỉ khác là phạm quy thì bị tội nặng hơn.

    Thi hội không có truyền lô (xướng danh) nhưng lễ yết bảng (công bố kết quả) rất long trọng. Bảng chính ghi tên những người đạt hạng trúng cách, bảng thứ ghi tên người hạng thứ trúng cách.

    Chỉ những người trúng cách mới được tiếp tục tham gia thi đình, tổ chức trong cung đình, do đích thân nhà vua ra đề và là người chấm thi cuối cùng. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách hẳn hoi. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.

    Sau khi vua chấm bài thì học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng. Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, được thăm hoa ở vườn ngự uyển, được cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

    Hệ thống học vị dưới triều Nguyễn

    1. Thi hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị: tú tài; đỗ tứ trường: hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa: giải nguyên.

    2. Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị: phó bảng; đỗ thủ khoa: hội nguyên.

    3. Thi đình: đỗ thi đình đạt học vị chung là tiến sĩ; đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó, đỗ từ 8-10 điểm được xếp bậc đệ nhất giáp. 10 điểm được lấy đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, thường gọi là trạng nguyên. 9 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, thường gọi là bảng nhãn. 8 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, thường gọi là thám hoa.

    Tác giả : PHẠM ĐỨC THÀNH DŨNG (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

    NGuồn Sưu tầm
     
  3. Củ khoai lang

    Củ khoai lang Tôi yêu Sandinh

    21 lần thi, 82 tuổi mới đậu

    21 lần đi thi, đến năm 82 tuổi mới đậu cử nhân. Đó là thí sinh đặc biệt nhất của lịch sử thi cử Việt Nam, ông tên Đoàn Tử Quang (1818-1928), quê ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

    [​IMG]
    [​IMG]

    Người đỗ đầu khoa thi năm ấy là chàng thí sinh Phan Bội Châu, đã có câu đối tặng “cụ thí sinh” Đoàn Tử Quang, rằng: “Xảo thật trời kia, quyệt thật trời kia, hẵng đem nỗi cay đắng thử thách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm/Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương trả về tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm đường cái phong vân”.

    Trường thi ngơ ngác

    Tại khoa thi hương năm Canh Tí 1900, cả trường thi Nghệ An đều ngạc nhiên trước một trường hợp gần như chưa từng có trong lịch sử khoa cử Việt Nam: một thí sinh 82 tuổi, râu tóc bạc phơ bước vào trường thi đua tài cùng khoảng 4.000 mái đầu xanh đáng hàng con cháu.

    Trong bài ký về trường thi đặc biệt ấy, hai vị quan chánh chủ khảo là Khiếu Năng Tĩnh và phó chánh Mai Khắc Đôn chép lại rằng có một “kẻ nọ” (quan viên) xin phép trường thi gọi cụ hỏi thăm sức khỏe: “Gọi đến lượt lão, lão vào. Kẻ lại phòng nọ xuống ghế, cầm lấy tay mà nói: “Tốt thay! Thọ bấy mà chí sao bền thế? Mắt lão có mờ chăng?”. “Có mờ!”. “Tai lão không điếc chăng?”. “Có điếc!”. “Chân, gối lão không yếu và mỏi chăng?”. “Còn đi, còn lạy, còn đưa đón được!”. Kẻ nọ nghe nói khen mạnh thực! Lão bỏ quyển vào ống rồi vào, coi rõ thẻ, đóng lều, chẫm chệ ngồi trên ghế!”...

    Hầu hết mọi người đều lo lắng cho sức lực cụ già không địch nổi với lứa tuổi thiếu niên tài hoa. Các quan viên cũng tìm nhiều cách thử khả năng của thí sinh đặc biệt này, và ngạc nhiên khi “duyệt lại thấy không có chữ nào nét đậm nét lạt, hàng xiên hàng thẳng cả”. Bài thi của cụ Đoàn Tử Quang năm ấy, theo nhận xét của quan chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh, chính là “địch thủ” của thí sinh Phan Bội Châu: “Trong bốn kỳ văn quyển thấy nét chữ, cốt cách còn dư tươi, tuy rằng giải nguyên khoa này, Phan Bội Châu ba mươi bốn tuổi tưởng không có thể lấy nét chữ ăn lão được một mảy...”. Tuy vậy, kết quả bốn vòng thi cụ Quang đã đạt hai vòng ưu, một vòng thứ, một vòng bình. Lẽ ra ông được xếp thứ nhì, nhưng trong bài thi bỏ sót mất một chữ nên xếp hàng áp chót, thứ 29/30 người đậu...

    Có bằng cử nhân, dù đã quá tuổi theo quy định nhưng cụ Đoàn Tử Quang cũng được bổ nhiệm làm chức quan huấn đạo (lo việc học hành) ở huyện Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh). Đến năm 1903, cụ xin cáo quan về quê để phụng dưỡng mẹ già. Cụ mất vào ngày 7-2 năm Mậu Thìn 1928, thọ 110 tuổi. Cuộc đời cụ quả là hiếm hoi, sống qua suốt 13 đời vua Nguyễn từ Gia Long cho đến Bảo Đại, từng chứng kiến biết bao thăng trầm của vận nước.

    Thi để báo hiếu mẹ già
    Chúng tôi tìm về nhà thờ họ Đoàn Tử ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong những ngày cuối tháng 6 nắng rát. Ngôi nhà rường ba gian hai chái kép nằm ven sườn của rú Nậy, xung quanh là nhà cửa của con cháu họ Đoàn Tử sống quây quần. Bức ảnh chân dung cụ trên bàn thờ râu tóc bạc phơ, tướng mạo khoan thai, đĩnh đạc, đẹp như một tiên ông. Gia đình cho biết bức ảnh này chụp cụ lúc 106 tuổi, trong chuyến đi thăm Hà Tĩnh của vua Khải Định vào năm 1924.


    Ông Đoàn Tử Hòa, cháu năm đời của cụ Đoàn Tử Quang, hiện là bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa, cho biết: cụ vốn tên Đoàn Tự Cận. Sau nhiều lần lều chõng đi thi mà chỉ hai lần đỗ tú tài, một lần vào năm 1867 và một lần vào năm 1884, lúc đã 66 tuổi. Cụ cho rằng do cái tên mình như bị trời giam hãm (tự trong chữ Hán như có mái che ở trên không nhìn được cao xa; cận tức gần), nên đã thay đổi bằng cách “tháo cái mái” trên đầu chữ “Tự” thành chữ “Tử” (nghĩa là con), đồng thời đổi tên Cận thành Quang (sáng), như một sự nhận lãnh trách nhiệm xây dựng họ Đoàn Tử theo nghiệp thi thư. Thế nhưng nhiều khoa thi tiếp theo vận may vẫn chưa mỉm cười. Ông Hòa cũng cho biết đến tuổi 82, cụ Đoàn Tử Quang không muốn đi thi nữa vì tuổi đã quá cao, song vì muốn báo hiếu với mẹ già mà quyết mang lều chõng thêm một phen nữa.

    Đầu năm 1900, bà Nguyễn Thị Sen, vợ ông, vừa qua đời. Theo quy định của triều đình, hai con trai là Đoàn Tử Tiến và Đoàn Tử Thiều phải đoạn tang ba năm mới được thi. Cả làng Thượng Đạt năm ấy không có ai đi thi nên các vị chức sắc trong làng đến xin cụ ứng thí để làng còn mở mày mở mặt. Cụ lắc đầu. Vốn cụ nổi tiếng là người chí hiếu với mẹ già, họ đã tác động đến người mẹ Lê Thị Nậm năm ấy đã 97 tuổi; bà cụ đã khuyên nhủ con trai thi tiếp vừa để giữ thể diện gia đình. Sau này trong lễ nhận bằng của triều đình, cụ Quang đã trả lời lý do đi thi với các quan viên rằng: “Lúc mẹ lão mười bảy tuổi thì trời cướp mất cha lão. Mẹ lão thủ tiết nuôi con; lênh đênh cơ khổ cho đến lúc thành lập. Vào khoảng thời Tự Đức, được phong Tiết phụ thứ hạng và được thưởng bạc mười lăm lượng. Mẹ lão cảm ân chảy nước mắt. Lão đậu tú tài hai lần mà vẫn xui lão gắng học; bảo lão rằng ta từ khi làm vợ nhà mày, chưa từng thấy cha mày một ngày nào mà không đọc sách. Cha có chí chưa thành, mày cứ học đến già khiến cho con cháu nối đó mà học để thành được chí cha mày. Lão có ngày nay, hết thảy nhờ công dạy của mẹ lão!”.

    Ở buổi xướng danh năm ấy, sau khi được cấp mũ áo ra trình diện, bái lạy ân và lộc yến vua ban, cụ lấy những thức ăn có thể lấy được cho vào trong tay áo. Những người ngồi bên cười nói chắc ông lão lấy nhiều về chia cho rất đông con cháu. Song họ đã nhầm. Cụ lấy lộc vua về dâng mẹ.

    Tác giả : THÁI LỘC
    Nguồn Sưu tầm
     
    Toetmat_KAKA thích điều này.
  4. gian nan nhi ,inh' thi toan' truot