Giới thiệu về nền khoa cử Việt Nam thời xưa

Thảo luận trong 'Khoa cử' bắt đầu bởi Mod07, 16/5/14.

  1. Mod07

    Mod07 Moderator

    Ngược dòng lịch sử, chúng ta tìm hiểu đôi chút về nền khoa cử Việt Nam thời xưa:
    Nói đến chế độ khoa cử ở nước ta thì phải tính đến một chặng đường dài mười thế kỉ đã diễn ra dưới thời phong kiến mà khoa mở đầu là năm Ất Mão(1075) đời Lý và khoa kết thúc vào năm Kỉ Mùi(1919) đời Khải Định.
    [​IMG]
    Khoa cử thời phong kiến gồm ba kì thi quan trọng bậc nhất được coi như ba cửa ải lớn để bước tới các bậc thang quan chức đầy danh vọng của các nho sĩ. Đó là thi Hương( Hương thí), thi Hội(Hội thí) và thi Đình(Đình thí).
    1. THI HƯƠNG
    Cuộc thi được tổ chức tại các trường nhiều nơi (từ Hương do nghĩa khu vực quê hương của người thi). Nhưng không phải tỉnh nào cũng được tổ chức thi Hương. Trường thi chia ra làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi ở một nơi, thí dụ trường Nam là tập trung thí sinh ở các tỉnh chung quanh Nam Định, trường Hà các tỉnh chung quanh Hà Nội v.v. Số thí sinh mỗi khoa có đến hàng nghìn người.

    Theo quy định từ năm 1434, thi Hương có 4 kỳ.

    • Kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa;
    • Kỳ II: chiếu, chế, biểu;
    • Kỳ III: thơ phú;
    • Kỳ IV: văn sách.
    Thi qua 3 kỳ thì đỗ Tú Tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ) - tên dân gian là ông Đồ, ông Tú. Thường mỗi khoa đỗ 72 người. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng thường không được bổ dụng. Nhiều người thi đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử nhân. Lần thứ nhất đỗ gọi là "ông Tú", lần thứ hai vẫn đỗ Tú tài thì gọi là "ông Kép", lần thứ 3 vẫn thế thì gọi là "ông Mền".

    Thi qua cả 4 kỳ thì đỗ Cử Nhân (trước 1828 gọi là Hương cống) - ông Cống, ông Cử. Mỗi khoa đỗ 32 người, được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương, hoặc được đi làm quan các huyện, sau dần dần mới lên các chức vụ cao hơn.

    Người đỗ đầu gọi là Giải Nguyên.

    2.THI HỘI
    Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất (dựa theo quy định thi cử của Trung Quốc). Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

    Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ. Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.

    3.THI ĐÌNH
    Kỳ thi cao nhất là thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các ông nghè. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ.

    Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên.

    Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:

    • Bậc 3: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp (Đồng tiến sĩ xuất thân - tên dân gian là ông Tiến Sĩ)
    • Bậc 2: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến sĩ xuất thân, Hoàng Giáp - ông Hoàng)
    • Bậc 1: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến sĩ cập đệ - gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi: Đỗ hạng ba là Thám Hoa(ông Thám), hạng nhì là Bảng Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng Nguyên (ông Trạng)
     
    Last edited by a moderator: 17/5/14
  2. dangbotot

    dangbotot Tiêu Dao Hội

    HÉ LỘ ĐỀ THI ĐÌNH CUỐI CÙNG TRONG LỊCH SỬ KHOA CỬ VIỆT
    Theo đó, từ ngày 16/5/1919, kỳ thi Đình cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam đã diễn ra trong Tử Cấm Thành Huế. Đề do đích thân Hoàng đế Nguyễn Hoằng Tông Khải Định ra với nội dung như sau:

    "Các nước trên khắp hoàn cầu sôi động nói đến văn minh. Vậy hai chữ văn minh có xuất xứ từ sách vở nào?

    Quan hệ của văn minh đến chuyện hòa bình hay chiến tranh, hưng thịnh hay suy thoái, phân chia hay hội họp? Vấn đề khai thác và tận dụng lợi thế về tài nguyên?

    Lối khoa trường cựu học đã bỏ, chuyển sang tân học thì phép tuyển dụng người đã tốt hay chưa? Quốc sự, quốc chính phải thay đổi do đó có nên lập ra Hiến pháp và Hiến pháp khi lập ra có thực hiện được không?
    Chính sách lập hiến và quyền pháp phải như thế nào? Làm gì để đền đáp sức dân, giúp dân an cư lạc nghiệp, giữ gìn văn minh tiến bộ?

    Trẫm vốn tài mỏng đức sơ, suy nghĩ khó được chu toàn.
    Các ngươi với tài kinh luân vốn có, hãy thử trình bày rõ ràng kiến giải của mình, không bè phái, thiên lệch, không a dua, quanh co, xuyên tạc khiến sai sót khi đem thực hành, cũng đừng quá khéo dùng lời lẽ bay bướm mà trống rỗng, chẳng có được phương sách gì hay, để trẫm thu lượm rồi thử áp dụng".


    vua kHai DInh.
    Vua Khải Định là người trực tiếp ra đề cho cuộc thi cuối cùng của nền khoa cử nước nhà
    Kết quả, người đỗ cao nhất Kỳ thi cuối cùng này là Nguyễn Phong Di, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa với học vị Đệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ xuất thân.

    Si tu.
    Thí sinh trúng tuyển diễu hành qua các Giám khảo trong kỳ thi 1897 ở trường thi Nam Định

    "Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang rộng mở trước mắt. Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử giờ đây dứt hẳn".

    Đó là những lời dụ của Hoàng đế Nguyễn Hoằng Tông, kết thúc nền khoa cử Nho giáo đã kéo dài gần 1.000 năm ở Việt Nam

    Như vậy, kể từ khoa thi 1075 triều Lý Nhân Tông đến khoa thi 1919 đời Khải Định, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức được 183 kỳ đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị Tiến Sĩ, trong đó có 47 vị Trạng Nguyên, 48 vị Bảng Nhãn, 75 vị Thám Hoa, 597 Tiến Sĩ Hoàng Giáp, 1.799 vị Tam Giáp Tiến Sĩ, 266 vị Phó Bảng, hàng ngàn Hương Cống (Cử Nhân), hàng vạn Sinh Đồ (Tú Tài) và không biết bao nhiêu người đỗ nhất, nhị trường làm cho nền văn hiến nước nhà càng thịnh vượng.

    - theo Bảo Tàng Lịch Sử -